Anpha Travel - Hãng du lịch chất lượng hàng đầu Việt Nam

Trụ sở chính: 80/3 Ba Vân, P.14, Tân Bình, TP.HCM.

Tổng Hợp Những Ngôi Chùa Thiêng Liêng Nhất Ở Bạc Liêu

Trong chuyến du lịch khám phá miền Tây Nam Bộ, nếu bỏ qua Bạc Liêu thì thật sự là một thiếu sót lớn. Đến Bạc Liêu, du khách không chỉ được ghé thăm các điểm du lịch nổi tiếng, thưởng thức các món ăn đặc trưng mà còn có thể tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, kiến trúc của người Khmer qua những ngôi chùa thiêng nổi tiếng.

1. Chùa Vĩnh Hòa

Chùa Vĩnh Hòa tọa lạc tại số 17, đường Cách Mạng Tháng Tám, khóm 2, phường 7, thành phố Bạc Liêu. Không có ai hay tài liệu nào biết chính xác về thời gian chùa được xây dựng, ước chừng chùa đã có tồn tại hơn 170 năm. Năm 1961, hòa thượng Thích Trí Đức về trụ trì và đã cho xây dựng lại, đồng thời thành lập trường Trung học Bồ Đề. Chùa được trùng tu lại lần nữa vào năm 1922 và giữ nguyên cho đến ngày nay.

Toàn cảnh phía bên ngoài chùa Vĩnh Hòa

Chánh điện là một gian phòng rộng đúc bê tông cốt sắt, nền lát gạch hoa rất khang trang. Cách bài trí và sắp đặt các pho tượng Phật ở đây cũng giống như phần đông các chùa khác ở các tỉnh Nam Bộ. Trên chính điện, ở giữa tôn trí tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phía trước đó là bàn tôn thờ tam bảo với tượng Đức Phật A Di Đà, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và tượng Bồ Tát Đại Thế Chí. Ngoài ra có thêm hai pho tượng Phật đắp theo kiểu Khmer, ở hai bên bàn thờ Phật có bàn thờ Địa Tạng và Ngọc Hoàng.

Cách bài trí trong chính điện chùa Vĩnh Hòa

2. Tịnh Xá Ngọc Lợi

Tịnh Xá Ngọc Lợi tọa lạc tại số 200/9 Hòa Bình, khóm 6, Phường 7, Thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, phía sau khu tỉnh Ủy thành phố Bạc Liêu. Nơi đây nổi bật lên là một ngôi chánh điện Bát Giác uy nghi và trang nghiêm giữa không gian rộng lớn. Tịnh Xá Ngọc Lợi mang lối kiến trúc bát giác với ngôi chính điện uy nghi, trang nghiêm, ngói lợp màu vàng, nối chính điện với khuôn viên bên ngoài là các bậc thang cấp vững chãi.

Kiến trúc phần mái ngói chính điện của Tịnh Xá Ngọc Lợi

Tịnh xá Ngọc Lợi thuộc hệ phái khất sĩ, là nơi thường xuyên mở các lớp học giáo lý, đạo tràng bát quan trai, đạo tràng niệm Phật… để giảng dạy cho các Phật tử và hướng họ đến một cuộc sống thanh tịnh hơn.

3. Tịnh Xá Ngọc Liên

Tịnh Xá Ngọc Liên tọa lạc tại địa chỉ 3/168 Cao Văn Lầu, khóm 4, phường 2, tp. Bạc Liêu.

Toàn cảnh Tịnh Xá Ngọc Liên tại Bạc Liêu

Theo ghi chép còn tồn tại, Tịnh Xá Ngọc Liên được xây dựng vào năm 1952 trên mảnh đất rộng 2ha vốn là tài sản của ông bà chủ điền Dương Thanh Lâm và Trần Thị Cối. Sau khi được Tổ sư Minh Đăng Quang khai tâm ngộ trí, ông bà đã phát tâm hiến cúng để sư thầy và chư tăng có nơi tu học, an dưỡng và xương minh giáo pháp.

Thuở mới xây dựng, ngôi Tịnh xá Ngọc Liên dùng các nguyên vật liệu nhẹ, cây ván đơn sơ theo đúng phong cách giản dị của Tổ sư Minh Đăng Quang. Tịnh xá trở thành điểm tựa tâm linh cho nhiều thế hệ cư gia bá tánh quay về quy ngưỡng. Trải qua hơn 60 năm, tịnh xá đã 2 đợt trùng tu: năm 1973 và 2002 theo lối kiến trúc hình bát giác truyền thống. Đến năm 2011, chánh điện được xoay chuyển hướng từ hẻm ra mặt tiền đường cho phù hợp với quy hoạch hiện tại.

4. Chùa Long Phước

Chùa tọa lạc tại số 3/234 đường Vĩnh Châu, khóm 6, phường 5, thị xã Bạc Liêu, cách khu vực chợ Bạc Liêu khoảng 1500 mét về hướng Đông, trên đường đi Vĩnh Châu, kế bên am Cô Bảy, nên chùa còn có tên dân gian là chùa Cô Bảy. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Theo thông tin từ giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, chùa Long Phước – một trong những ngôi chùa đầu tiên của Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1840 tại thôn Vĩnh Hinh, lúc mới xây dựng người ta đã dùng tên thôn để đặt tên chùa là Vĩnh Hinh Tự. Chùa mang lối kiến trúc cổ của người Việt có tô điểm vài nét văn hoá của người Hán, đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ra Quyết định Bảo vệ di tích lịch sử văn hoá số 1379/QĐ.UB ngày 07 tháng 11 năm 2001. Đứng từ xa nhìn lại, du khách có thể nhận ra ngay một quần thể kiến trúc thật đẹp, được bố trí thật hài hoà trong một khu đất rộng có cây cối um tùm tạo nên một khung cảnh rất nên thơ và yên bình.

Chùa Long Phước, Bạc Liêu hay còn gọi là chùa Cô Bảy

5. Chùa Ghositaram

Nằm tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, chùa Ghositaram là một ngôi chùa của người Khmer Nam Bộ được xây dựng theo lối kiến trúc đền chùa Khmer đặc trưng, phù hợp với văn hóa tín ngưỡng của người Khmer. Chùa tọa lạc trên mảnh đất có diện tích 427,5 m2.

Kiến trúc độc đáo của chùa Ghositaram

Chùa Ghositaram sở hữu khu chính điện cao nhất hiện nay (36,3) trong quần thể các đền chùa Khmer tại Việt nam. Chùa cũng là một địa điểm hành hương, bái Phật nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng nghìn quý Phật tử và bà con gần xa đến chiêm bái.

 

6. Miếu Cổ Phước Đức

Ngôi miếu tọa lạc tại số 74 Điện Biên Phủ, Phường 3, Thị xã Bạc Liêu còn có tên gọi khác là chùa Bang bởi thờ Phước Đức chính thần và miếu Ông Bổn. Theo Cinet.vn, Phước Đức cổ miếu được một nhóm người Việt gốc Hoa sinh sống tại Bạc Liêu cùng nhau xây dựng vào khoảng năm 1810. Ban đầu ngôi miếu được xây dựng rất đơn sơ bằng các vật liệu từ cây lá, tre nứa.

Miếu cổ Phước Đức, tỉnh Bạc Liêu

Ngôi miếu được xây dựng với mục đích để thờ cúng các vị thần theo tín ngưỡng của người dân Trung Hoa như: Bổn Đầu Công (còn gọi là Ông Bổn), Quan Đế, Thần Nông, Thổ Công, Ông bà Công Mẫu…. Ngày 24/11/2000, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 30/2000/QĐ-VHTT công nhận Phước Đức cổ miếu là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

7. Chùa Xiêm Cán

Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer tọa lạc tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, được xây dựng cách đây khoảng 1 thế kỷ. Chùa mang đậm nét kiến trúc Angkor đặc trưng của văn hóa Khmer, những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang được chạm khắc tinh xảo. Chùa có khuôn viên khá rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây xanh và lối kiến trúc đậm chất Khmer với những quần thể kiến trúc bao gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am, lò thiêu…

Chùa Xiêm Cán với khuôn viên rất rộng và lối kiến trúc độc đáo

Chính điện của chùa được xây dựng trên nền đất cao hơn 2m, được bao quanh bởi các đường hành lang và rất nhiều cây xanh. Chính giữa khu chính điện là nơi tôn trí thờ tượng Đức Phật Thích Ca. Điểm nhấn trong chính điện là các bức tường xung quanh được họa rất nhiều hình ảnh mô tả quá trình tu hành khổ luyện của Đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, trần nhà và các cột chống được trang trí nhiều hoa văn cùng các bức phù điêu đầy nghệ thuật.

Đặc biệt, họa tiết tượng rắn 5 đầu được trạm trổ rất nhiều nơi. Theo quan niệm của người Khmer thì rắn 5 đầu là loài vật nguy hiểm nhưng được cảm hóa bởi hào quang từ bi của Đức Phật, vì thế mà hình tượng loài rắn này luôn được tạc khắc trong kiến trúc đền chùa của người Khmer.

8. Chùa Vĩnh Đức

Chùa Vĩnh Đức tọa lạc tại số 132, đường Cách Mạng, khóm 7, phường 1, TP. Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1890 từ những vật liệu tre nứa đơn giản. Đến năm 1915, chùa được trùng tu lại khang trang và chắc chắn hơn. Sau đó đến năm 1961 chùa mở rộng quy mô tạo nên các khu chính điện, hậu điện, đông lang, tây lang. Năm 1971 chùa trùng tu lại đông lang và năm 1980 thì trùng tu lại nhà hậu tổ.

Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay chùa Vĩnh Đức đã sở hữu quy mô rộng lớn và khang trang

Chùa theo hệ phái Bắc Tông, khu chính điện tôn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Hàng năm, tại đây thường tổ chức các lễ hội lớn như lễ Thượng ngươn (rằm tháng Giêng), giỗ hòa thượng Thích Thiền Giác (24 tháng Giêng Âm lịch), lễ Phật đản (rằm tháng 4), lễ Vu lan (17 tháng 5 âm lịch), lễ Hạ ngươn (rằm tháng 10 âm lịch) thu hút đông đảo quý Phật tử gần xa đến tham quan chiêm bái. Ngoài giá trị thẩm mỹ và kiến trúc, chùa Vĩnh Đức mang những giá trị lịch sử to lớn khi trải qua rất nhiều biến cố trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

9. Chùa Quan Đế

Chùa Quan Đế được xây dựng vào năm 1835, nằm cạnh dòng sông Bạc Liêu, mang lối kiến trúc văn hóa đặc trưng theo tín ngưỡng của người Hoa. Chùa là nơi tôn thờ Quan Thánh Đế – một vị tướng tài hoa trung nghĩa thời tam quốc ở Trung Hoa.  Trong điện thờ, có bức tượng Quan Công mặc giáp trụ uy nghi, hai bên là hai vị tướng Quan Bình và Chu Thương – là hai vị tướng thân cận bên cạnh ông trong thời chiến Tam Quốc.

Chùa Quan Đế mang đậm nét kiến trúc và văn hóa người Hoa

Ngoài tôn thờ Quan Thánh Đế, chùa còn thờ Thiên Hậu và Thần Tài. Chùa hiện đang sở hữu một án thư và những bức hoành được chạm khắc từ năm 1865 – 1897, là những di sản vô cùng quý giá.

Đến với Bạc Liêu, phần lớn du khách đều không thể bỏ qua hành trình khám phá và chiêm ngưỡng những ngôi chùa nổi tiếng tại đây, đặc biệt vào các dịp lễ hội lớn của người dân địa phương để có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống sinh hoạt, và những giá trị thẩm mỹ, văn hóa, kiến trúc, lịch sử vô cùng quý giá.

Các bạn có thể xem thêm:

 => Cẩm nang du lịch Bạc Liêu

=> Top những điểm du lịch Bạc Liêu

Để tìm hiểu thêm về miền Tây sông nước, mời các bạn đến với Anphatravel.com tham khảo nhé.

 

 

 

 

 

 

 

 

}