Trà Vinh là một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây vùng đất Trà Vinh còn được gọi là xứ Trà Vang, cái tên vốn bắt nguồn từ ngôn ngữ Môn-Khmer cổ mà dân gian thường gọi là Trah Păng. Trà Vinh là nơi tập trung sinh sống của đa số người Khmer với đặc điểm nổi bật trong văn hóa đời sống tinh thần là hệ thống chùa chiền theo kiến trúc Khmer cổ. Hiện ở Trà Vinh có khoảng 140 ngôi chùa lớn nhỏ, hãy cùng Anpha Travel khám phá tour Trà Vinh với 6 ngôi chùa đặc biệt nhất nhé.
Chùa Âng là một ngôi chùa cổ trong hệ thống chùa Khmer của tỉnh Trà Vinh. Chùa Âng tọa lạc trên khu đất rộng 4ha bên quốc lộ 53, thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thị xã Trà Vinh khoảng 7 km, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của ao Bà Om và đối diện với Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer của tỉnh.
Chùa Âng, ngôi chùa cổ nhất tỉnh Trà Vinh
Chùa Âng có tên đầy đủ là chùa Angkorajaborey, là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa của người Khmer tỉnh Trà Vinh. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 3.5 ha, ngoài quần thể các công trình kiến trúc được xây dựng độc đáo gồm tăng xá, giảng đường dạy chữ Paly và chữ Khmer, chánh điện uy nghi, chùa còn sở hữu một hệ sinh thái với nhiều chủng loài thực vật đặc hữu trên đất giồng cát như sao, dầu, tre, trúc… lâu đời quanh năm che mát ngôi chùa cổ kính. Chùa Âng quay mặt về hướng Đông theo tư tưởng Phật giáo là Phật Thích ca ở Tây phương nhìn về hướng đông để độ trì chúng sinh.
Theo dân gian truyền lại, chùa Âng được hình thành từ nhiều thế kỷ trước nhưng được xây dựng quy mô như hiện nay vào năm Thiệu Trị thứ 3, tức năm 1842 Dương lịch. Trải qua nhiều tác động của thời gian, con người, ngôi chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần, trong đó xây dựng mới các công trình phụ như nhà tăng xá, trai đường… nhưng ngôi chánh điện cơ bản vẫn giữ được nguyên trạng như buổi đầu mới hình thành. Chùa Âng được Bộ VHTT công nhận là di tích văn hóa của Quốc gia.
Ngoài kiến trúc cổ độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Khmer, chùa Âng Trà Vinh còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo. Chùa là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội lớn của đồng bào Khmer như: Chol Chnam Thmay; sene dolta, Ok Om Bok. Vào các dịp lễ hội ngôi chùa thu hút hàng nghìn du khách từ khắp mọi miền tổ quốc đến chiêm bái, tham quan.
Chùa Hang, tiếng Khmer còn gọi là Wat Kompong Ch’rây, là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng vùng đất Trà Vinh, tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Châu Thành, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 5 km về hướng Nam, theo quốc lộ 54. Chùa Hang được xây dựng vào năm 1637, đến nay đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Trụ trì đời thứ 23 hiện nay của chùa là sư cả Thạch Suông. Chùa Hang có diện tích khá rộng, khoảng 10ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm gần một nửa.
Toàn cảnh chùa Hang
Cổng chính của chùa hướng ra phía bờ sông, ngự hai bên cổng là hai tượng Yak to bằng người thật. Cổng phụ nằm ven tỉnh lộ 36, xây dựng vòm cuốn, tường rất dày, có hình dạng giống như cái hang. Chánh điện chùa tọa lạc trên nền đất cao 3m, được trang trí với lối kiến trúc vô cùng đẹp mắt thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa Ấn Độ. Bên trong chánh điện là hai hàng cột cao lớn uy nghi. Mái chánh điện được lợp thành nhiều lớp chồng lên nhau làm nên khoảng không gian cao vút, đỉnh nhọn như một chóp tháp. Giữa chánh điện là bàn thờ với tượng Phật tổ rất lớn đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật nhỏ hơn trong nhiều tư thế khác nhau.
Cổng phụ của chùa có hình dạng giống cái hang
Điều đặc biệt nhất ở chùa Hang Trà Vinh là trong chùa có hẳn một xưởng thủ công điêu khắc bằng gỗ. Tại đây, các nghệ nhân đã làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật có thể xem như là những vật quý giá với những đường nét điêu luyện dưới bàn tay vàng của họ. Ở đây cũng có nhận đào tạo nên nghề này, để phần nào phát huy giá trị truyền của dân tộc.
Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em với quy mô khá lớn, lại có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Người Khmer ở Trà Vinh sống đơn giản, ít tham vọng, nhà ở rất đơn sơ nhưng chùa phải kiên cố, to đẹp bởi tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu vào tâm trí những người dân nơi đây.
Đến thăm chùa Hang, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc vô cùng sắc sảo như hình con chim đại bàng, chim bồ câu, tượng Phật Di Lặc, heo rừng, bầy nai…vv. Đặc biệt có tác phẩm điêu khắc khổng lồ đặt trong phòng khách được làm từ bộ rễ sao có niên đại từ 400 đến 500 năm tuổi. Chùa Hang giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Khmer. Là nơi giáo dục đạo đức và bảo tồn các giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật người Miên.
Chùa Vàm Ray nằm ở ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân (trước kia là xã Hàm Giang), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với thời gian tồn tại hơn 600 năm. Để giữ di tích cổ còn sót lại, ông Trầm Bê – một Phật tử của chùa đã tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD. Đây là ngôi chùa được du khách nhận xét là lộng lẫy, cổ kính, nguy nga nhất miền Tây, chùa Vàm Ray không chỉ là ngôi chùa Khmer đẹp nhất mà còn là niềm tự hào to lớn của người dân địa phương.
Chùa Vàm Ray lộng lẫy và khang trang, là niềm tự hào của người dân Trà Vinh
Ngôi chùa mang phong cách kiến trúc Angkor, một kiến trúc đặc trưng của người Campuchia. Ngôi chánh điện chùa Vàm Ray có 4 cổng, cổng chính quay mặt về hướng đông theo như các chùa Khmer nam Bộ. Nhìn từ bên ngoài, chùa có hình dáng của một cung điện vàng với những hoa văn, họa tiết được khắc chạm tỉ mỉ.
Ngôi chùa có lối vào rộng rãi với hàng tượng nữ thần chắp tay chào hai bên. Trung tâm của chùa là tòa chính điện mang kiến trúc tinh xảo, được bao quanh bởi hai cấp sân rộng. Theo truyền thống của chùa Khmer, chính điện quay về hướng Đông, tượng trưng cho con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông. Bên trong chính điện được trang hoàng lộng lẫy với những bức tranh tường nhiều màu sắc, đậm chất văn hóa Khmer. Chủ đề xuyên suốt của các tác phẩm là cuộc đời Đức Phật và giáo lý của nhà Phật. Giữa sân chùa có một cột hình trụ cao vút được nâng đỡ bởi những cái cột cách điệu hình rắn thần Naga có 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội, tượng trưng cho việc Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn đã được đức Phật thuần hóa theo quan niệm của người Khmer. Cửa vào chính điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian, tạo nên nét độc đáo cổ kính.
Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit…
Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khmer Nam Bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl – chnăm – thmây, lễ Đôn ta, lễ hội Ook – Oom – Bok, cũng là nơi tập trung bà con Khơ me đến học chữ Paly, học giáo lý, học nghề… Người Khmer theo đạo Phật (Phái tiểu thừa) nên mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới đều diễn ra ở các ngôi chùa cổ kính.
Chùa Cò (hay còn gọi là chùa Nôdol) tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 40km về phía Nam. Theo những người dân cao tuổi ở đây kể lại, chùa có tên lạ lùng vậy là bắt nguồn từ câu chuyện hàng ngàn con cò các loại tụ tập về đây sinh sống hàng trăm năm qua. Nhà chùa thấy lạ nên cứ mở rộng diện tích vườn cây cạnh chùa để chúng sinh sống tới nay. Từ đó mới có tên lạ lùng này.
Khuôn viên kiến trúc của chùa đậm chất thôn quê, là nơi trú ngụ của rất nhiều loại chim như: cồng cộc, bồ câu… trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại như cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen…
Chùa Cò sở hữu khuôn viên rộng, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim
Theo tài liệu để lại cho biết, ngôi chùa được xây dựng từ năm 1766. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến năm 2012 thì hoàn thành. Du khách đến đây sẽ có dịp chiêm ngưỡng nét bề thế, công phu với hoa văn, họa tiết từ các công trình được chăm chút tỉ mỉ. Đặc biệt khu vực chính điện rất lộng lẫy, nhiều màu sắc với nhiều bức tranh, tượng phật được chế tác tinh xảo. Chùa còn có tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội… mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của nền văn hóa Khmer cổ ở Trà Vinh. Ngôi chính điện với những mái uốn cong theo hình đuôi rồng, có những đỉnh tháp nhọn hình ngọn núi Xôme và những hình tượng quen thuộc như thần Riehu (Reahu), thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno, Mahaknốt…
Nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km về hướng Đông Nam, cách thị trấn Cầu Ngang hơn 5km về hướng Đông Bắc, chùa Giác Linh (hay còn gọi là chùa Dơi) tọa lạc trên một động cát cao thuộc ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Cái tên chùa Dơi được bà con nơi đây đặt vì trước đây trong khuôn viên chùa có nhiều loài chim trú ngụ trên các cây cổ thụ trong đó nhiều nhất là loài loài dơi quạ. Chùa được bao trùm bởi nhiều loài cây, trong đó có những cây cổ thụ lâu năm tạo nên một bầu không khí tĩnh mịch, linh thiêng.
Cổng vào chùa Giác Linh
Chùa Giác Linh có nhiều điểm khác với những ngôi chùa thờ Phật khác như bàn thờ Phật không bố trí tượng thờ theo thứ tự: Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn… như ở những chùa Phật Đại thừa (Mahayana) thường có. Chùa không chỉ thờ Đức Phật cùng những vị liên quan đến Phật giáo: Bồ Tát, La Hán… mà còn thờ cả Khổng Tử, Lão Tử, và dung hợp cả tín ngưỡng dân gian: Bà Chúa Xứ, Táo Quân, Cậu Tài, Cậu Quý. Chính từ cách nghĩ của những nhà tu, cho nên phật tử không chỉ chú trọng việc đạo mà cả việc đời.
Giác Linh không phải một ngôi chùa nổi bật về quy mô, giá trị kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ nhưng lại là một ngôi chùa cực kỳ giàu thành tích cách mạng. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Linh Sơn Điện đã là nơi hội họp, sinh hoạt của những nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp trong tổ chức Thiên Địa Hội. Năm 1922, đây cũng chính là nơi tổ chức Thanh Niên Đỏ của tỉnh được thành lập, trong đó có đồng chí Dương Quang Đông. Rồi một trong ba Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trà Vinh – Chi bộ Mỹ Long cũng chọn địa điểm này hội họp thường xuyên trong những năm đầu thành lập. Và trong cuộc biểu tình của 300 nông dân năm 1931 đòi “dân sinh, dân chủ” băng, cờ búa liềm bay trên rào chùa. Đến năm 1934 – 1935, chùa lại được chọn làm trụ sở của cơ quan Liên Tỉnh uỷ Vĩnh – Trà – Bến. Giai đoạn cận Cách mạng Tháng 8 năm 1945, để nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, ngôi chùa lại là nhân chứng của cuộc họp trù bị nhằm củng cố lại Xứ uỷ, do đồng chí Dương Quang Đông triệu tập.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ni cô Phụng – một bậc chân tu của chùa đã dùng tiếng mõ làm tín hiệu triệu tập hoặc giải tán cán bộ cách mạng khi hội họp hay lẩn tránh lúc có động. Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ni cô Phụng trở thành ni sư trụ trì chùa, dưới sắc áo nhà tu đã che mắt bọn địch bằng những chuyến hành hương, đã vận chuyển vũ khí cho tổ chức cách mạng.
Những năm 1966 – 1967 chiến tranh ác liệt, mặt phía tây nam trong khuôn viên chùa có một hệ thống chiến hào dài hơn 300m được đào nhằm chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Cũng trong giai đoạn này, dựa vào sự tĩnh mịch của chốn tu hành, sự um tùm của cây cối, hàng chục hầm bí mật được đào trong khuôn viên chùa để cán bộ ẩn tránh. Đặc biệt, cả đại hồng chung cũng được nhà chùa hiến cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc.
Năm 1970, địch đến đóng đồn sát rào chùa, nhằm khống chế cách mạng vùng Mỹ Long và cũng để theo dõi các nhà tu hành. Dù vậy, ni sư Phụng vẫn một lòng một dạ bám trụ chùa, để một năm sau ta đã công kích bọn chúng phải bỏ đồn rút chạy.
Chùa Giác linh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/01/1998. Chốn “Thiền môn bất cấm vô duyên khách” này giờ đây luôn rộng cửa đón chúng ta đến suy ngẫm về đạo về đời.
Khách du lịch nếu có cơ hội đến với xứ Trà mộng mơ, ngoài thưởng thức phong cảnh thiên nhiên và ẩm thực miền Nam, hãy dành thời gian khám phá những ngôi chùa cổ để hiểu thêm về văn hóa, lối sống của người Khmer và sống lại trong những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc nhé.
Ngoài những ngôi chùa nổi tiếng, Trà Vinh còn có những điểm du lịch hấp dẫn khác. Các bạn hãy xem thêm tại đây nhé.
=> Tổng hợp những điểm du lịch Trà Vinh mà du khách không thể bỏ qua.
Để tìm hiểu thêm về du lịch miền Tây sông nước, hãy vào đây bạn nhé: Anphatravel.com