Nếu miền Bắc có đền Bà Chúa Kho nổi tiếng khắp vùng, thì miền Nam có miếu Bà Chúa Xứ (hay còn gọi là Chùa Bà) thuộc Châu Đốc, An Giang mỗi năm thu hút hơn 3 triệu Phật tử từ khắp mọi miền Tổ quốc đến hành hương, cúng bái, cầu bình an. Nếu có dịp về với miền Tây sông nước, du khách hãy ghé thăm Chùa Bà Châu Đốc và đừng quên những lưu ý sau để có một chuyến đi trọn vẹn nhé.
Dân gian có câu nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, cũng bởi vậy nên từ tháng 1 – tháng 3 là khoảng thời gian Chùa Bà đón nhiều khách du lịch nhất. Du khách nên đến đây vào các ngày trong tuần để tránh đông đúc.
Những ngày lễ chùa Bà Châu Đốc đón rất đông khách du lịch đến hành hương
Sắm lễ là một hoạt động đẹp và ý nghĩa của người dân Việt Nam, với mong muốn dâng tấm lòng thành cầu chúc sự bình an và may mắn. Và cũng để thuận tiện cho du khách từ các nơi xa đến hành lễ, dịch vụ cho thuê, bán các mặt hàng đồ lễ tại Chùa Bà cực kì phát triển. Tuy nhiên, Anphatravel xin lưu ý với các bạn một số điểm sau:
Tốt nhất là nên chuẩn bị đồ lễ từ nhà đi, hoặc mua ở các điểm dừng chân tại thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, hoặc thị xã Châu Đốc rồi mang lên chùa.
Nếu mua tại chùa, nên tham khảo bạn bè để biết giá cả và chọn lựa các cửa hàng uy tín. Hãy hỏi giá trước khi mua, đặc biệt không mua hàng của những người bán lẻ đi theo mời mọc.
Khu vực xung quanh chùa có nhiều cửa hàng cho thuê heo quay, giá ở đây sẽ đắt hơn bên ngoài và thường xảy ra hiện tượng một con heo được cho thuê đi thuê lại nhiều lần, vì vậy tốt nhất bạn nên chuẩn bị trước và mang vào.
Tuyệt đối không nhận bất cứ thứ gì, kể cả những thứ được gọi là “lộc Bà” mà những người lạ dí vào tay các bạn. Nếu bạn cầm, họ sẽ đòi tiền, nếu bạn không trả họ sẽ gây rắc rối cho bạn. Bạn nên vào miếu Bà để xin lộc.
Tuyệt đối không phóng sinh chim. Những con chim bị nhốt sẵn thường đã không còn sức bay đi đâu nữa, khi bạn hỏi giá sẽ được người bán mời chào với giá rất rẻ chỉ từ 5 – 10.000/con, bạn đồng ý thì họ sẽ mở lồng lùa lũ chim ra ngoài. Và mặc dù trong lồng chỉ có khoảng chục con thôi, nhưng họ sẽ đếm lên 30, 40, 50 con để lấy tiền.
Vào những ngày rằm, mùng 1, ngày lễ chùa có rất nhiều khách, bởi vậy nạn móc túi cũng xảy ra thường xuyên. Bạn không nên cho tiền những người ăn xin, vì lập tức rất nhiều người ăn xin khác sẽ vây lại xin tiền bạn. Bạn cũng không nên cho tiền những người ốm, đau ngồi bên đường vì phần lớn là họ giả bệnh. Khi vào trong điện, miếu khấn vái, phải luôn luôn cảnh giác xung quanh và tốt nhất không nên mang quá nhiều tiền mặt, những đồ giá trị không cần thiết thì cũng nên để ở nhà.
Luôn phải cảnh giác tránh bị trộm cắp tại chùa Bà
Sau khi thăm Chùa Bà, bạn có thể ghé tham quan quần thể di tích núi Sam với chùa cổ Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang và nhiều chùa, miếu trên núi. Đây đều là những điểm tham quan nổi tiếng ở Châu Đốc nên đi sau khi viếng chùa Bà.
Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Sau khi hành hương Chùa Bà Châu Đốc, nếu bạn muốn mua đặc sản về làm quà, hãy ghé chợ Châu Đốc, cách miếu Bà Chúa Xứ khoảng 5 km. Chợ bán nhiều nhất là mắm, khô (chiếm gần phân nửa khu vực chợ), với rất nhiều loại. Những thương hiệu mắm nổi tiếng tại đây là Bà Giáo Khỏe, Tư Ấu, Út Cảnh…
Ngoài mắm, Châu Đốc còn nổi tiếng với thốt nốt. Trái thốt nốt ăn rất mát, nếu mua về thì bạn có thể kêu người bán bổ ra, cho vào hộp. Bên cạnh trái tươi, còn có đường, mứt thốt nốt, bánh bò thốt nốt…
Các loại khô, mắm bày bán tại chợ Châu Đốc
Hi vọng với những chia sẻ trên đây, du khách sẽ có chuyến hành hương Chùa Bà Châu Đốc vui vẻ, thuận lợi. Hãy ghé thăm Anphatravel để cập nhật các thông tin du lịch mới nhất và được tư vấn chọn tour với giá thành ưu đãi nhé.