Anpha Travel - Hãng du lịch chất lượng hàng đầu Việt Nam

Trụ sở chính: 80/3 Ba Vân, P.14, Tân Bình, TP.HCM.

Những Điều Bạn Chưa Biết Về Trà Vinh

Tour Trà Vinh luôn là một tour lý tưởng dành cho du khách thích khám phá cảnh sắc và cuộc sống miền Tây sông nước. Cùng Anphatravel khám phá xem Trà Vinh có gì qua bài viết dưới đây nhé.

1. Đặc sản Trà Vinh

Không phải những món sơn hào hải vị, chế biến phức tạp, Trà Vinh nổi tiếng với những món ăn dân giã, bình dị nhưng dưới bàn tay của người làm bếp lành nghề, những nguyên liệu tưởng chừng như giản dị ấy lại tạo nên những món ăn ngon đậm đà khó quên làm nên thương hiệ của ẩm thực Trà Vinh.

Bún nước lèo: đây là món ăn nức tiếng xứ Trà Vinh. Món ăn này được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên liệu như mắm bò hóc, thịt heo quay và các loại rau sống. Nước lèo có vị ngọt tự nhiên từ tôm cá đã làm loãng đi độ đậm đặc của mắm bò hóc khiến cho ngay cả người kén ăn, không quen mùi mắm cũng có thể thưởng thức trọn vẹn.

Món bún nước lèo xứ Trà Vinh

Ngoài đĩa rau sống tươi non, món ăn còn thêm thịt heo quay xắt miếng vừa miệng, bì giòn, thịt mềm. Mỗi miếng bún đều thơm hành phi, thơm rau, thơm thịt lại vừa thanh thanh vị nước lèo, vừa nồng nàn vị mắm hợp với các loại rau rất vừa miệng. Món bún nước lèo vô cùng phổ biến ở đây, ngay cả quán ăn nhỏ cũng sẽ không làm bạn thất vọng.

Chù ụ: Chù ụ thuộc họ nhà cua, vẻ ngoài hơi xấu xí với thân hình vuông nhỏ nhưng thịt rất ngọt và thơm. Đây là đặc sản của vùng biển Ba Động. Món chù ụ ngon nhất là nướng than. Khi gặp lửa chù ụ sẽ dần chuyển sang màu đỏ, hương thơm ngào ngạt vô cùng hấp dẫn. Khi chín, trộn với ít rau răm, chấm muối ớt hoặc muối tiêu chanh, đảm bảo ngon miệng.

Món chù ụ nổi tiếng của biển Ba Động

Thịt chù ụ dai mềm và ngọt không kém cua, ghẹ nên còn được hấp bia, rang me. Ngoài ra, người dân cũng hay làm chù ụ kho nghệ, xào hành… Tuy nhiên, vì thân hình nhỏ bé khiêm tốn nên nó không phổ biến và có tiếng như nhiều hải sản khác.

Bánh tét cốm dẹp: Cốm dẹp làm bánh tét được trộn với nước cốt dừa trước khi cho vào gói cùng nhân đỗ xanh trộn đường, vani tạo mùi. Người miền Tây gói bánh tét cốm dẹp bằng lá chuối xiêm hoặc lá lùng chứ không dùng lá dong như người miền Bắc. Và thay vì ninh trong nước, bánh được cho vào nồi hấp cách thủy.

Bánh tét cốm dẹp – món bánh đặc trưng của người miền Tây

Bánh có lớp ngoài dẻo quyện giống với bánh chưng hay bánh tét ở bất cứ vùng miền nào trên đất nước nhưng còn hương thơm có phần đặc biệt hơn hẳn do sự hòa quyện của mùi dừa, mùi gạo mới, mùi cốm… Món bánh dân giã này có hương vị vừa béo vừa ngậy vừa bùi lại ngọt ngọt có thể ăn đến no mà không chán là thức quà nổi tiếng của khách du lịch mỗi lần ghé thăm Trà Vinh.

Cháo ám: Món cháo ám nhìn qua thì có vẻ đơn giản, nhưng để nấu được nồi cháo ngon thì cần rất nhiều công. Từ khâu chọn cá lóc để nấu cháo phải tươi, mập đem luộc và gỡ từng miếng, bỏ xương rồi xào với hành thơm nức mũi. Trứng cá lóc đánh nhuyễn rồi mới cho vào nồi cháo nấu từ nước luộc cá. Trong món cháo ám còn có cả hành khô, tôm khô, mực khô nướng.

Món cháo ám nổi tiếng của người dân Trà Vinh

Mùi thơm quyến rũ của tiêu, hành, đậu phộng với cái ngọt thanh của nước, mềm béo trong cá, trứng cá, bùi bùi của mực và tôm kết hợp vị đặm nồng của mắm nêm pha và sự khác biệt khi ăn cùng rau thơm, rau sống thái nhỏ biến cháo ám thành một trong những loại cháo ngon nhất, khác biệt nhất nên thử một lần trong đời.

Loi choi sả ớt: Loi choi có thân tròn như chiếc đũa, người ta thường ướp muối phơi dốt dốt rồi chiên sả ớ, là món ăn quen thuộc trên bàn nhậu. Loi choi thường sống ở vùng giáp nước giữa mặn và ngọt, thoạt nhìn giống như lịch ở vùng nước ngọt, nhưng không có con nào lớn hơn ngón tay út, chúng dài từ 20 đến 40cm, thân màu trắng và trong suốt.

Món loi choi sả ớt – đặc sản Trà Vinh

Món loi choi ngon nhất là còn tươi sống hoặc đã phơi khô mà đem nướng sơ qua than lửa, khi thưởng thức sẽ rõ vị béo của mỡ loi choi, hương thơm của sả ớt…

2. Những ngôi chùa ở Trà Vinh

Đến Trà Vinh du khách hãy khám phá những ngôi chùa Khmer nổi tiếng.

Chùa Hang: Chùa Hang còn có tên chữ là Kompông Chrây (nghĩa là bến cây đa). Đây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nằm bên quốc lộ 54, huyện Châu Thành, cách thị xã Trà Vinh khoảng 4km. Chùa Hang là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1637 với tổng diện tích trên 6 hecta. Gọi là chùa Hang vì cổng chùa được xây giống như một cái hang có chiều ngang 12m, dài và sâu 12m với một lối đi chính và hai lối đi phụ từ cổng hàng dẫn vào chánh điện cách đó 100m. Nơi đây có hơn 300 trăm tác phẩm gỗ điêu khắc độc đáo, đa phần được tạo ra từ xưởng gỗ thủ công trong chùa, thu hút đông đảo khách tham quan hàng năm.

Cái tên Chùa Hang bắt nguồn từ thiết kế cổng chùa giống lối vào một chiếc hang

Chùa Hang còn là nơi “đất lành chim đậu” với hàng trăm loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm trú ngụ. Nhà chùa luôn vận động người dân không nên săn bắn, làm hại chim nên số lượng chim ngày càng sinh sôi đông đúc. Vì thế, ngoài kiến trúc đẹp thì chùa Hang còn được ví như một vườn chim tự nhiên thu hút đông đảo Phật tử, du khách gần xa đến lễ bái tham quan. Không gian yên bình hòa quyện cùng tiếng chim hót líu lo làm cho khung cảnh chùa thêm thanh tịnh.

Chùa Nodol: Chùa Nodol hay còn được gọi là chùa Cò, tọa lạc tại ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú. Chùa được xây dựng năm 1677, là một ngôi chùa cổ mang đậm dáng dấp và kiến trúc của người Khmer cổ, nổi bật là những công trình như chính điện, tháp đựng cốt, nhà tăng, nhà hội… mái chùa uốn cong theo hình đuôi rồng, đỉnh tháp nhọn hình núi Xôme và các tượng thần quen thuộc như thần Riehu, thần bốn mặt Mohabrom, chim thần Kâyno…Chùa cũng là điểm thu hút các loài chim cò quý hiếm đến sinh sống như: cò trắng, cò quắm, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, cò mỏ trắng… và được bao phủ bởi những hàng cây sao, tạo nên không gian thanh tịnh chỉ với tiếng chuông và tiếng chim hót mỗi ngày.

Khung cảnh thanh tịnh bên ngoài chùa Cò

Chùa Âng: Chùa Âng trong tiếng Khmer được gọi là chùa Angkorajaborey. Chùa nằm cạnh quốc lộ 53, thuộc khóm 4, phường 8, thành phố Trà Vinh. Chùa được dựng vào thế kỷ thứ 10 và được trùng trùng tu năm 1842. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại mảnh đất Trà Vinh và tiêu biểu cho kiến trúc độc đáo của hệ thống chùa Khmer. Kiến trúc của ngôi chùa là sự hòa quyện giữa nghệ thuật trang trí sắc sảo của văn hóa Khmer và lối thiết kế đầy màu sắc của nền văn hóa Angkor. Từ cổng, gò mái, cột chùa đến kiến trúc bên trong, tất cả đều khoác lên mình chiếc áo tượng hình của đầu chim, tiên nữ và thần rắn Naga. Nếu những cột trụ, tượng chằn, tượng đầu chim mang đến sự mạnh mẽ, uy nghi của một ngôi chùa cổ, thì bạn sẽ tìm thấy nét mềm mại, thân thuộc trong từng mái gò cong vút. Ngoài kiến trúc độc đáo, chùa Âng còn mang đến cảm giác yên bình với vài trăm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, cùng không khí trong lành làm say lòng khách thập phương.

Kiến trúc độc đáo nằm giữa thiên nhiên thanh bình tại chùa Âng

Chùa Vàm Rây: Là trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam, tọa lạc tại ấp Vàm Ray,  xã Hàm Tân,  huyện Trà Cú. Đây không phải là một ngôi chùa cổ, có giá trị về lịch sử và thời gian tuy nhiên chùa Vàm Rây đã góp phần tạo nên diện mạo khá mới mẻ và hấp dẫn cho loại hình du lịch văn hóa Trà Vinh và hệ thống chùa Khmer tại Nam Bộ. Đến đây, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp về sự lộng lẫy, bề thế của một ngôi chùa Khmer. Nhìn từ bên ngoài, chùa Vàm Rây trông giống như một cung điện vàng son với các họa tiết, hoa văn được chạm trổ và điêu khắc rất tỉ mỉ. Bất cứ nơi đâu bạn cũng sẽ thấy tràn ngập một màu vàng lấp lánh, từ mái vòm, tường, cột trụ cho đến những bức phù điêu, tượng thần 4 mặt. Ngoài kiến trúc, thì chùa Vàm Ray còn gây ấn tượng mạnh mẽ với mỗi du khách ghé thăm bởi pho tượng Phật Nhập Niết Bàn dài 54m. Nơi đây hàng năm thường diễn ra nhiều lễ hội văn hóa Khmer như: Chol Chnam Thmay (lễ mừng năm mới), Ok Om Bok (lễ cúng trăng), Dolta (lễ cúng ông bà), Dâng bông, Dâng phước.

Chùa Vàm Rây lộng lẫy như một tòa cung điện được sơn son thiếp vàng

Bên cạnh đó, hệ thống chùa Khmer còn có rất nhiều các ngôi chùa độc đáo, thể hiện tinh thần và văn hóa của người Khmer cùng những giá trị lịch sử, kiến trúc vô giá.

3. Một vài thứ thú vị khác nữa….

Ngoài ra, đến với Trà Vinh bạn còn có cơ hội hòa mình vào cuộc sống và tìm hiểu tập quán, sinh hoạt của người dân nơi đây qua những lễ hội nổi tiếng. Nguyên tiêu Thắng hội là lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 14-15 tháng 01 âm lịch tại Phước Thắng Cung, ấp Mé Rạch, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Mục đích của lễ hội là cầu an, cầu phúc. Mỗi năm lễ hội thu hút hàng ngàn người tham dự. Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ là lễ hội dân gian truyền thống có gần 200 năm nay của cộng đồng cư dân xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh được tổ chức vào ngày 15 – 16/2 Âm lịch (Lễ Hạ điền) và 15 – 16/10 Âm lịch (Lễ Thượng điền). Trước đây người ta tổ chức hát bội, hiện nay không còn đoàn hát nên hội đình tổ chức đờn ca tài tử phục vụ dân chúng vui chơi, giải trí. Ngoài ra còn có các lễ hội khác như Lễ vào năm mới (Pithi Chôl Chnam Thmây) được tổ chức trong 3 ngày 14 – 16/4 Dương lịch, Lễ hội cúng biển Mỹ Long (Lễ hội nghinh Ông) diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng 5 Âm lịch hàng năm…

Mảnh đất Trà Vinh không chỉ thu hút khách du lịch bởi cảnh sắc thiên nhiên miền Tây trữ tình mà còn bởi những giá trị văn hóa, du lịch, tinh thần độc đáo. Nếu có cơ hội đến với nơi đây, du khách hãy trải nghiệm và thêm yêu mảnh đất quê hương Trà Vinh nhé.

Các bạn hãy để Anphatravel tổng hợp những điểm du lịch Trà Vinh, cho các bạn tham khảo thêm nhé.

}