Hy vọng đây sẽ là bài viết hữu ích cho những bạn lần đầu tiên “xuất ngoại”, đang phân vân về thủ tục lúc quá cảnh. Vì đây là bài viết mình lấy kinh nghiệm thực tế từ bản thân nên sẽ không thể cụ thể từng sân bay cho các bạn được, nhưng nhìn chung những tips dưới đây sẽ giúp các bạn có những cái nhìn tổng thể của kinh nghiệm quá cảnh lần đầu:
Tất nhiên khi ra nước ngoài, một trong những thứ cần thiết chính là vé máy bay. Lúc mua, bạn phải hỏi rất kỹ người bán vé xem là vé của bạn sẽ quá cảnh ở những đất nước nào? Thời gian quá cảnh ra sao? Và điều quan trọng là, đất nước mà bạn sắp quá cảnh có cần visa quá cảnh hay không? Một số đất nước sẽ đòi đấy nhé: ví dụ như Anh hay Thổ Nhĩ Kỳ v…v, để chắc chắn bạn có thể điện thoại lên lãnh sự quán của nước đó tại Việt Nam để hỏi, người ta sẽ trả lời bạn chắc chắn hơn. Hành lý xách tay bao nhiêu kí và hành lý kí gửi bao nhiêu kí? Không được phép mang chất lỏng quá bao nhiêu ml? Hành lý bay thẳng hay tới nơi quá cảnh phải lấy hành lý ra check in lại? Theo mình, tốt nhất là nên mua 1 vé hành lý bay thẳng luôn vì có thể thời gian quá cảnh không lâu mà còn phải check in hành lý lại có thể sẽ trễ chuyến bay, cực cho các bạn lắm.
Còn một điều đáng lưu ý là, lúc ở sân bay nên đến hãng bay mà bạn đã mua và nhờ nhân viên in luôn tất cả các Boarding pass luôn, sẽ đỡ công cho các bạn nữa đó
Nếu may mắn các bạn chỉ có thể quá cảnh 2-3 tiếng thôi nhưng nếu không may như mình thì thời gian quá cảnh sẽ dài hơn rất nhiều (mình là 6 7 tiếng gì đó). Ở 1 số nước, nếu thời gian quá cảnh dài, bạn hoàn toàn có thể đi tour thăm quan thành phố( đất nước nào các bạn chịu khó tìm hiểu nhé, vì mình chỉ biết có Thổ Nhĩ Kỳ (phải xin visa nhé), thành phố Doha cũng có tour đi chơi này). Trong lúc làm thủ tục quá cảnh, hải quan sẽ check hành lý xách tay của bạn một lần nữa nên cũng không nên mua thêm chai nước bỏ trong túi nhé (đừng lo vì trên máy bay đồ ăn sẽ sẵn sàng cho bạn). Họ cũng sẽ hỏi là mục đích bạn đến nước A B C là gì (A B C là đất nước cuối cùng sau khi quá cảnh mà bạn muốn đến đó), nếu bạn đi chơi thì cứ cho họ xem lịch trình, và bảo hiểm. Nếu đi học thì cho họ xem giấy mời nhập học và bảo hiểm, những thứ này bạn nên in màu hết và mang theo bên người vì sẽ bị hỏi liên tục, nếu thái độ của bạn không thành thật hoặc không lịch sự, nhân viên hải quan hoàn toàn có thể cho bạn về Việt Nam đấy nhé 😀
Ngay từ lúc xuống máy bay, bạn nên đi tìm ngay cổng mà bạn sẽ đi qua để bay chuyến kế tiếp rồi muốn đi ăn hay đi thăm quan thì hẳn đi nhé, nếu bạn không tìm ra cổng thì đừng ngại hỏi các nhân viên hải quan, nên nằm lòng những câu hỏi “Cổng A, Cổng B …v..v nằm ở đâu?” bằng tiếng anh, cũng đơn giản mà. Hoặc bạn cứ đưa vé cho họ và họ sẽ chỉ bạn đi thôi, đừng lo lắng quá.
Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể tranh thủ mua sắm, ăn uống tại chỗ, ngủ, hay sạc pin điện thoại tùy thích, thêm 1 lưu ý nữa là, giờ máy bay in trên vé là giờ địa phương của quốc gia đó bạn nhé, bạn nên chỉnh giờ đồng hồ cho đúng với giờ của đất nước đó.
Sân bay Frankfurt, Đức- nơi mình quá cảnh
Mặc dù, trên tấm Boarding pass in khá rõ số cổng ra, bạn cũng không nên tin vào nó 100% bạn nhé, như mình thì trên tấm Boarding pass in cổng ra là A50, nhưng trước khi bay 2 tiếng cổng ra của mình bị đổi thành A21. Vì thế bạn phải luôn để ý bảng chỉ dẫn, nếu không có thể dẫn tới trễ chuyến bay
Đó là tất cả các lưu ý mà mình đã để ý trong quá trình quá cảnh, nên mình hy vọng sẽ giúp được các bạn một số thông tin hữu ích trong chuyến đi sắp tới