Ai đã từng ghé qua Sapa đều không thể quên được bản Cát Cát – ngôi làng truyền thống trong lòng thị trấn Sapa. Với vẻ đẹp tuyệt diệu mà thiên nhiên mà con người nơi đây dựng lên, bản Cát Cát thật xứng danh “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”.
Bản Cát Cát đắm chìm trong thung lũng hùng vĩ, hoang sơ nhưng không kém phần dịu dàng, xinh đẹp.
Bản Cát Cát tọa lạc tại xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai, là một ngôi làng của người dân tộc Mông cách trung tâm thị trấn Sapa 2km. Nằm chênh vênh trên dãy Hoàng Liên Sơn đầy mây ngàn, gió núi, bản Cát Cát được hình thành từ thế kỉ thứ 19 trong lòng thung lũng bốn bề núi dựng. Tới đầu thế kỉ 20, người Pháp bắt đầu chú ý và tôn tạo bản Cát Cát thành nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức cấp cao.
Một ngôi nhà của người dân tộc Mông trong bản Cát Cát
Sở dĩ bản Cát Cát có cái tên như thế là do ở đây có một thác nước vô cùng hùng vĩ, xinh đẹp và tráng lệ. Bởi say lòng với sự tuyệt mĩ này mà người Pháp lấy Catscat làm tên cho thác nước. Chính vì vậy, ngôi làng xinh đẹp đã có tên là Cát Cát (đọc chệch đi của Catscat).
Tới đầu bản Cát Cát bạn sẽ bắt gặp ngay những bậc đá gập ghềnh dẫn lối xuống thung lũng. Đi thêm chút nữa những nét bình yên của núi rừng sẽ hiện ra, là những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, là sự chấm phá của những bụi giang, trúc, vàu… những ngôi ba gian đơn sơ, đầy ắp tiếng cười, tiếng cối dã gạo vang đều đều…Tất cả những âm thanh trong trẻo và hình ảnh nên thơ của núi rừng như hòa vào một, tạo nên một bản Cát Cát đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Cầu Si thu hút khách du lịch tới thăm quan và chụp ảnh
Dân làng Cát Cát chủ yếu là người Mông, họ có cách xây nhà cũng rất đặc trưng. Nhà thường dựa vào vách núi, những ngôi nhà ba gian lợp gỗ pơ mu, vách bằng gỗ xẻ. Nếu ai nhạy cảm sẽ nhận ra ngôi nhà có mùi thơm dịu nhẹ của núi rừng, của gỗ pơ mu, tất cả tạo nên một cảm giác bình yên đến mộc mạc. Đối với người Mông ở bản Cát Cát, nhà chính là không gian văn hóa, gian giữa phục vụ cho hôn tang tế, lễ tết, ma chay. Ngoài ra, nhà còn chia thành nhiều không gian như: gian thờ, nơi tiếp khách, nơi ngủ, bếp, sàn gác dự trữ lương thực. Nhìn chung vô cùng ấm cúng.
Nét đơn sơ ẩn mình trong thiên nhiên kì vĩ
Vốn dĩ đã là bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng vào tháng giêng hàng năm bản Cát Cát lại trở nên rực rỡ hơn cả. Đó là sự nở rộ của những cánh đồng hoa bất tử, hoa hướng dương, hoa hồng ri, hoa cánh bướm…trải dài bất tận. Lúc này Cát Cát như cô thiếu nữ mười tám đôi mươi, dịu dàng trong trẻo khoe sắc giữa đất trời bao la.
Bản Cát Cát không chỉ ghi dấu ấn bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đậm tình mà còn chính bởi con người, bởi văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông. Tới bản Cát Cát, du khách sẽ được say trong những điệu múa duyên dáng của những cô thiếu nữ, tiếng đàn môi ngọt tựa trái rừng hay tiếng sạp, tiếng cười nói dập dìu của các chàng trai, cô gái người Mông.
Ruộng bậc thang và núi rừng trập trùng
Sức sống của ngôi làng không chỉ được gửi gắm ở tiếng đàn, điệu múa mà còn qua các nghề thủ công truyền thống như lanh dệt vải, chạm trổ bạc và rèn công cụ, đan lát dụng cụ sinh hoạt. Những sản phẩm được tạo ra từ bàn tay và khối óc của người dân bản đều mang nét độc đáo, sự tinh tế, ẩn dấu cái hồn và nét văn hóa đặc trưng đã được bảo tồn và gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Người phụ nữ Mông đang dệt vải
Những chiếc chăn mang đầy dấu ấn văn hóa của người dân tộc Mông
Người dân ở đây sinh hoạt thưa thớt, những mái ấm đơn sơ đều ẩn mình trong cảnh quan “rất thơ”. Hầu hết các hộ dân đều nằm dọc theo con đường bậc thang lát đá ở giữa bản. Trung tâm bản Cát Cát là nơi hội tụ của ba dòng suối: Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc… Ba ngọn thác cứ thế mà thi nhau thanh lọc và mang lại vẻ trong trẻo cho ngôi làng, ngày đêm tung bọt trắng xóa và tạo ra những âm thanh rộn rã.
Những thác nước tung bọt trắng xóa
Thời điểm rộn ràng và giàu văn hóa nhất của bản Cát Cát là vào những ngày đầu năm. Thời gian này lễ hội Gầu Tào cầu phúc, cầu mệnh cho dân bản được diễn ra. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và phản ánh sâu sắc đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, nếu đến bản Cát Cát vào thời gian này bạn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản như thắng cố, thịt hun khói “khăng gai”, bánh ngô, đậu xị, nhái nấu măng, rượu ngô…
Ngàn hoa khoe sắc điểm tô cho vẻ đẹp của bản Cát Cát
Nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Mông có lẽ là tục kéo vợ. Theo tục này, khi người con trai đem lòng yêu thương một cô gái, anh ta sẽ cùng bạn bè lập kế hoạch kéo cô gái về nhà và giữ trong ba ngày. Được sự đồng ý của cô gái, gia đình chàng trai sẽ làm lễ cưới chính thức. Cũng không gượng ép, nếu cô gái từ chối thì cả hai bên sẽ uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường. Hôn lễ tại bản Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.
Giữa thung lũng Mường Hoa, bản Cát Cát được ví như cô sơn cước dịu dàng e ấp nhưng cũng đầy bí ẩn. Với những gì mẹ thiên nhiên ban tặng cùng nét văn hóa độc đáo riêng của bản vùng cao Tây Bắc, bản Cát Cát đã là địa điểm du lịch không thể chối từ đối với khách du lịch khi tới với Lào Cai.
Bạn còn chờ gì nữa mà chưa đi ngay, công ty Du lịch Anphatravel luôn đồng hành cùng bạn.
Bạn muốn đi Du lịch Sa Pa, hãy liên hệ với chúng tôi.